Thành Phố Xiamen

Thành Phố Xiamen

·        Nhà Văn hóa Quân khu 4

·        Nhà Văn hóa Quân khu 4

Học bổng Thành phố Hữu nghị Thành phố Thành Đô

·                    Diện tích 104,96 km².

·                    Dân số: 480.000 người (2013)

Nhằm thực hiện đề án "Phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2025, thành phố Vinh sẽ mở rộng địa giới hành chính để có diện tích 250 km² với dân số dự kiến là 800.000 - 1.000.000 người. Sau khi mở rộng, diện tích của thành phố Vinh sẽ bao gồm thành phố Vinh hiện nay và toàn bộ diện tích thị xã Cửa Lò, phần phía Nam huyện Nghi Lộc, phía Bắc huyện Hưng Nguyên. Ranh giới thành phố mới sẽ là phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam và phía Đông là biển Đông.

Thành phố Vinh có tọa độ địa lý từ 18°38'50” đến 18°43’38” vĩ độ Bắc, từ 105°56’30” đến 105°49’50” kinh độ Đông. Vinh là thành phố nằm bên bờ sông Lam, phía Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Nghi Xuân, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Hưng Nguyên. Thành phố Vinh cách thủ đô Hà Nội 295 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.424 km, cách thủ đô Viên Chăn (Lào) 400 km về phía Tây.

Địa hình Thành phố Vinh được kiến tạo bởi hai nguồn phù sa, đó là phù sa sông Lam và phù sa của biển Đông. Sau này sông Lam đổi dòng chảy về mạn Rú Rum, thì miền đất này còn nhiều chỗ trũng và được phù sa bồi lấp dần. Địa hình bằng phằng và cao ráo nhưng không đơn điệu, có núi Dũng Quyết hùng vĩ và dòng sông Lam thơ mộng bao quanh, tạo nên cảnh quan thiên nhiên của thành phố rất hài hòa và khoáng đạt.

Vinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt và có sự biến động lớn từ mùa này sang mùa khác.

Nhiệt độ trung bình 24°C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42.1°C, nhiệt độ thấp tuyệt đối 4°C. Độ ẩm trung bình 85-90%. Số giờ nắng trung bình 1.696 giờ. Năng lượng bức xạ dồi dào, trung bình 12 tỷ Keal/ha năm, lượng mưa trung bình hàng năm 2.000mm thích hợp cho các loại cây trồng phát triển.

Có hai mùa gió đặc trưng: Gió Tây Nam - gió khô xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 9 và gió Đông Bắc - mang theo mưa phùn lạnh ẩm ướt kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Là vùng đất có núi bao bọc lại nằm cạnh biển Đông, Vinh có một vị trí đặc biệt. Các Vua Đinh, Lê, Lý, Trần đều chú ý đến Vinh và đã cử các tướng tài vào đây trấn giữ. Nhưng đến thế kỷ XV dưới thời Lê Lợi và Nguyễn Trãi thì vùng Vinh mới thực sự được quan tâm đặc biệt.

Thế kỷ XVII thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Ninh Quận Công Trịnh Toàn nhiều năm đã đóng đại bản doanh ở Núi Quyết. Huy động nhân dân và binh lính xây thành ông Ninh, đào kênh nối sông Cồn Mộc (tức sông Vinh) với sông Lam.

Ngày 1 tháng 10 năm 1788, Hoàng đế Quang Trung đã quyết định cho xây dựng đế đô tại vùng đất Yên Trường, nay thuộc phường Trung Đô - thành phố Vinh - Nghệ An và đặt tên là thành Phượng Hoàng Trung Đô. Và bằng việc xây dựng đơn vị hành chính: Phượng Hoàng - Trung Đô đã khẳng định vị thế của đất Yên Trường trong sự cân đối hài hòa với Đông Đô ở miền Bắc, Tây Đô ở miền Nam và trong chiến lược lâu dài của Hoàng đế Quang Trung là sẽ xây dựng Yên Trường thành kinh đô của đất Việt. Dù rằng, chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô là một dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh.

Từ đời vua Gia Long đến các đời vua Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định vùng đất Yên Trường tiếp tục được coi trọng xây dựng. Dấu tích các cổng thành cổ Nghệ An đã là một minh chứng cho công cuộc xây dựng và phát triển vùng đất này.

Ngày 20 tháng 10 năm 1898, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh cùng với các thị xã Thanh Hóa, Huế, Fai-Fo (Hội An ngày nay), Quy Nhơn và Phan Thiết. Ngày 30 tháng 8 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ này. Thị xã lúc đầu bao quanh thành Nghệ An, sau dần dần phát triển về phía Nam.

Ngày 10 tháng 12 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11 tháng 3năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1917) thành thành phố Vinh - Bến Thủy, do Công sứ Nghệ An kiêm chức đốc lý (tức thị trưởng).

Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thể kỷ trước, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân. Đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng.

Khi Việt Nam độc lập năm 1945, Vinh trở thành thị xã tỉnh lị tỉnh Nghệ An.

Ngày 28 tháng 12 năm 1961, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 32 về việc thành lập thành phố Vinh.

Ngày 10 tháng 10 năm 1963, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh, gồm 3 xã: Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Thủy[6]. Vinh lúc này được coi là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc Việt Nam.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Vinh là một trong những thành phố miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom tàn phá nặng nề nhất, toàn thành phố hầu như bị san phẳng.

Ngày 26 tháng 12 năm 1970, chuyển 4 xã: Hưng Hòa, Hưng Lộc, Hưng Đông, Hưng Vĩnh, một phần đất đai ở bờ bắc sông Cầu Đước thuộc xã Hưng Chính (thành lập 2 xã Vinh Hưng và Vinh Tân) thuộc huyện Hưng Nguyên và xã Nghi Phú thuộc huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý.[7]

Ngày 1 tháng 5 năm 1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười (sau trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố. Thành phố được xây dựng lại theo kiểu thiết kế đô thị của Đông Đức và Liên Xô như các đại lộ lớn, rộng và các dãy nhà chung cư. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 20 năm đổi mới vừa qua, Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cơ sở hạ tầng được xây dựng vững chắc, hệ thống giao thông phát triển. Nhiều công trình kinh tế, kỹ thuật, văn hoá lớn được xây dựng, nhiều khu đô thị mới đã mọc lên. Kinh tế phát triển ổn định, thường xuyên giữ mức tăng trưởng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng đợc cải thiện, nâng cao.

Từ năm 1975, Vinh là tỉnh lị tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 5 phường: Hồng Sơn, Lê Mao, Quang Trung I, Quang Trung II, Trung Đô và 10 xã: Hưng Bình, Hưng Đông, Hưng Dũng, Hưng Hòa, Vinh, Hưng Lộc, Hưng Thủy, Hưng Vĩnh, Nghi Phú, Vinh Hưng, Vinh Tân.

Ngày 2 tháng 3 năm 1979, chuyển 3 xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng: thành 9 phường: Cửa Bắc, Tân Vinh, Hưng Bình, Lê Lợi, Cầu Cảng, Bến Thủy, Trường Thi, Đội Cung, Cửa Nam; hợp nhất 2 xã Hưng Vĩnh và Hưng Đông thành xã Đông Vĩnh; sáp nhập xóm Yên Giang của xã Vinh Hưng và xóm Vĩnh Mỹ của xã Hưng Vĩnh vào xã Vinh Tân theo điều chỉnh quy hoạch thành phố Vinh.[8]

Ngày 18 tháng 8 năm 1982, hợp nhất phường Quang Trung I vào phường Quang Trung II thành phường Quang Trung; sáp nhập phường Tân Vinh vào phường Lê Mao; tách phường Hưng Bình thành 2 phường: Hưng Bình và Hà Huy Tập.[9]

Từ năm 1991, trở lại là tỉnh lị tỉnh Nghệ An.[10]

Ngày 28 tháng 6 năm 1994, chia xã Đông Vĩnh thành phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông.[11]

Ngày 23 tháng 8 năm 1994, sáp nhập phường Cửa Bắc vào phường Cửa Nam; sáp nhập phường Cầu Cảng vào phường Bến Thủy; chuyển xã Hưng Dũng thành phường Hưng Dũng.

Ngày 23 tháng 3 năm 2005, thành lập phường Hưng Phúc trên cơ sở 58,17 ha diện tích tự nhiên và 7.932 nhân khẩu của phường Hưng Bình, 55,73 ha diện tích tự nhiên và 1.535 nhân khẩu của phường Hưng Dũng; thành lập phường Quán Bàu trên cơ sở 111,20 ha diện tích tự nhiên và 5.300 nhân khẩu của phường Lê Lợi, 120,20 ha diện tích tự nhiên và 3.370 nhân khẩu của xã Hưng Đông.[12]

Ngày 17 tháng 4 năm 2008, thành phố Vinh được mở rộng thêm trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Nghi Kim, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Ân thuộc huyện Nghi Lộc và xã Hưng Chính; 174 ha diện tích tự nhiên và 3.043 nhân khẩu của xã Hưng Thịnh thuộc huyện Hưng Nguyên; chuyển xã Vinh Tân thành phường Vinh Tân.[13]

Ngày 13 tháng 8 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận Vinh là đô thị loại II.

Ngày 30 tháng 9 năm 2005, Chính phủ ban hành Quyết định 239QĐ-CP phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Vinh trở thành đô thị trung tâm Bắc Trung Bộ.

Ngày 5 tháng 9 năm 2008, tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An [14]. Hiện nay thành phố đang hướng tới là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Theo Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt [15], quy mô dân số thành phố khoảng 900.000 người vào năm 2030; có diện tích nghiên cứu phát triển khoảng 250 km2, vùng phụ cận có quy mô khoảng 1.230 km2, bao gồm: huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thị xã Cửa Lò.

Chức năng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ:

a) Chức năng đầu tầu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ.

b) Chức năng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trọng điểm về khoa học - công nghệ, văn hoá - thể thao và y tế của vùng.

c) Chức năng trung tâm công nghiệp của vùng đối với sự phát triển công nghiệp chung của vùng Bắc Trung Bộ.

d) Chức năng Trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh trên phạm vi vùng Bắc Trung Bộ.

đ) Chức năng đầu mối giao thông, cửa vào - ra quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, cả nước và quốc tế.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 đặt tại thành phố Vinh có nhiệm vụ chỉ huy, quản lý và tổ chức xây dựng quân đội chiến đấu, bảo vệ vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Quân khu 4 có địa bàn rộng, bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Địa bàn Quân khu 4 có vị trí hết sức quan trọng. Từ xa xưa đây đã từng là chốn “biên thùy”, là “phên dậu”, là nơi xuất phát của nhiều cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giữ nước của dân tộc. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Khu 4 vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc. Quân và dân Khu 4 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc gia, vừa làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào, Cam-pu-chia.

Thành phố Vinh nằm giữa hai khu kinh tế lớn là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh), bên cạnh thành phố là khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An).

Năm 2010, Tốc độ tăng trưởng giá trị SX so với cùng kỳ là 18,1%, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,1 triệu đồng, thu ngân sách đạt 2800 tỷ đồng. TP phấn đấu trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng giá trị SX từ 18,5-19.5%, thu ngân sách đạt từ 3.200 - 3.300 tỷ đồng.[16]

Nhiều Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn có trụ sở chính ở Vinh (Ngân hàng Bắc Á, Tập đoàn TH,Tổng Công ty công trình giao thông 4, Tổng Công ty hợp tác kinh tế QK4, Tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào, Tổng Công ty xây lắp dầu khí Nghệ An, Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An.......).

Vinh cũng được biết đến là một thành phố trẻ năng động, có nhiều tòa nhà cao tầng. Hiện có rất nhiều dự án phát triển đô thị tại đây. Trong tương lai không xa, Vinh sẽ là một thành phố hiện đại xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Về cơ cấu kinh tế, Đến 2010, ngành công nghiệp chiếm tỷ lệ 41%, dịch vụ 57,3%, nông nghiệp 1,61%.[17]

Là đô thị hạt nhân có tác động lan toả mạnh mẽ đến tốc độ công nghiệp hoá vùng Bắc Trung Bộ, trong nhiều năm qua cơ cấu kinh tế thành phố Vinh chuyển dịch tích cực và đúng hướng, trong đó tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh tập trung chủ yếu là công nghiệp sạch. Tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ với các ngành chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến thuỷ hải sản, dệt may, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ, đá trang trí, sản xuất bao bì, nhựa, giấy....

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Vinh có 7 khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp:

·                    Khu công nghiệp Bắc Vinh

·                    Cụm công nghiệp Nghi Phú

·                    Cụm công nghiệp Hưng Đông

·                    Cụm công nghiệp Hưng Lộc

·                    Cụm công nghiệp Nghi Thạch

·                    Khu công nghệ cao: Công viên phần mềm VTC (Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC), Công viên Công nghệ Thông tin Nghệ An Park (Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT)

·                    Cụm công nghiệp dệt may, khai thác cảng Bến Thủy.

·                    Cụm công nghiệp sản xuất Vật liệu xây dựng Trung Đô.

Các ngành dịch vụ như thương mại, tài chính ngân hàng, du lịch, khách sạn cũng phát triển nhanh chóng và ổn định. Với hệ thống ngân hàng, các công trình chợ đầu mối bán buôn bán lẻ, siêu thị, hệ thống khách sạn đa cấp, đầu mối các tour du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, tạo cơ sở để trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch của khu vực Bắc miền Trung. Từ năm 2003 - 2008, tỷ trọng dịch vụ đạt gần 60% GDP của thành phố và so với tính quy luật chung thì tỷ trọng dịch vụ trên thể hiện sự tiến bộ trong cơ cấu kinh tế của thành phố Vinh ngày càng rõ nét.

Hiện nay, ở Vinh có các chợ lớn là Chợ Vinh, Chợ Ga Vinh, Chợ Quán Lau...Hệ thống các siêu thị lớn như: Metro, Big C, Intimex, Maximax, Vạn Xuân, CK Palaza...Thành phố đang triển khai dự án xây dựng khu phố thương mại Vinh trên trục đường ven Sông Lam, đoạn Vinh - Cửa Lò. Tại đây đang xây dựng các trung tâm thương mại lớn gắn với hệ thống siêu thị cao trên 30 tầng, ngoài ra còn có tổ hợp các khách sạn cao cấp, khu văn phòng cao trên 20 tầng tạo thành một khu thương mại du lịch lý tưởng mang tầm khu vực, một hệ thống đô thị thương mại ven sông.

·                    Đường Nguyễn Thị Minh Khai chuyên doanh các mặt hàng điện thoại di động, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin...

·                    Đường Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái chuyên kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng.

·                    Đường Trần Phú chuyên kinh doanh các mặt hàng trang trí, nội ngoại thất.

·                    Đường Cao Thắng chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý và trao đổi ngoại tệ.

·                    Đường Đặng Thái Thân, Lê Hồng Phong chuyên kinh doanh mỹ phẩm, quần áo thời trang.

·                    Đường Quang Trung chuyên doanh các mặt hàng xe gắn máy, điện tử, điện lạnh...

·                    Đường Đào Tấn, Nguyễn Văn Cừ, Hồ Xuân Hương chuyên kinh doanh hàng ẩm thực ăn uống, giải khát.

·                    Hệ thống Ngân hàng: ngoài Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á có hội sở chính ở Vinh - ngân hàng duy nhất của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, hầu hết các Ngân hàng của Việt Nam với gần 40 Ngân hàng thương mại nhà nước, thương mại cổ phần với hàng trăm Phòng giao dịch có mặt tại thành phố Vinh. Các Ngân hàng lớn trong hệ thống Ngân hàng Quốc doanh như Vietcombank và Incombank đều có 2 chi nhánh cấp 1 tại thành phố gồm Vietcombank Vinh, Vietcombank Trung Đô, Vietinbank Nghệ An, Vietinbank Bến Thủy, điều này không có thành phố nào trừ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có được.

·                    Các công ty Chứng khoán: Công ty Chứng khoán Việt, Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An, Sara Group, VVS An Phú, FPTS...

·                    Các công ty Tài chính: Công ty Kiều hối Ngân hàng Đông Á, Tiết kiệm Bưu điện Nghệ An, Tài chính Dầu khí Nghệ An, Vàng bạc Đá quý PNJ, Ngân hàng Nông nghiệp Bắc miền Trung...

Mạng lưới bưu chính viễn thông ở Vinh hiện xếp thứ tư toàn quốc [18].

Thành phố Vinh nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nắm giữ vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam và ngược lại. Đồng thời rất thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - văn hóa trong khu vực và quốc tế.

TP Vinh được hưởng lợi hệ thống giao thông đối ngoại rất thuận tiện với các tuyến Quốc lộ theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây.

·                    Quốc lộ 1A chạy xuyên qua trung tâm thành phố theo hướng Bắc - Nam với chiều dài 15 km đã được nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, thành phố đã hoàn thiện xây dựng quốc lộ 1A đoạn tránh ở phía Tây nhằm giảm tải giao thông trong khu vực trung tâm.

·                    Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15 theo trục Bắc - Nam

·                    Quốc lộ 7 đi qua các huyện trong tỉnh đến Xiêng Khoảng (nơi có cánh đồng Chum) và cố đô LuongPhabang của Lào

·                    Quốc lộ 8 đi qua các huyện, thị: Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Hương Sơn phía bắc Hà Tĩnh qua cửa khẩu Cầu Treo đến thủ đô Viên Chăn (Lào)

·                    Quốc lộ 46 đi qua các huyện: TX Cửa Lò,TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương qua cửa khẩu Thanh Thủy sang Lào

·                    Quốc lộ 48 đi qua: Yên Lý, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Quế Phong - Lào

Mạng lưới giao thông nội thị có 765 km đường giao thông các loại, hầu hết đã rải nhựa hoặc đổ bê tông xi măng; tỷ lệ đường rộng trên 12m chiếm 15,7%, mật độ đường giao thông đạt 12 km/km². Thành phố có 2 bến xe lớn phục vụ nhu cầu đi lại nội và ngoại tỉnh của nhân dân, bến xe Vinh và bến xe Chợ Vinh thu hút trên 700 lượt xe đón trả khách/ ngày. Vinh còn có 2 bến xe mới là Bắc Vinh và Nam Vinh đang được xây dựng. Thành phố Vinh đang quy hoạch xây dựng các khu trung tâm đô thị dọc trục đường Lê Lợi, Quang Trung, Trường Thi, Đại lộ Lê Nin, đường du lịch ven sông Lam, Đại lộ Vinh - Cửa Lò... trong tương lai không xa sẽ mang lại cho thành phố bộ mặt đô thị hiện đại, xứng tầm đô thị loại 1 trung tâm cấp vùng.

Giao thông Công cộng: Ở Vinh hiện có nhiều tuyến xe bus phục vụ việc đi lại của người dân thành phố và các huyện lân cận.

·          Tuyến 1: Bến Thủy - Trường Thi - Cửa Hội - Cửa Lò.

·          Tuyến 2: Bến Thủy - Quang Trung - Quán Bánh - Cửa Lò.

·          Tuyến 3: Bến Thủy - Cửa Nam - Hưng Nguyên - Nam Đàn - Thanh Chương.

·          Tuyến 4: Vinh - Nghi Lộc - Diễn Châu - Quỳnh Lưu - Hoàng Mai.

·          Tuyến 5: Vinh - Diễn Châu - Yên Thành

·          Tuyến 6: Vinh - Nghi Xuân- Thị xã Hồng Lĩnh- Can Lộc-Thạch Hà-thành phố Hà Tĩnh.

Ga Vinh là một trong 2 lớn nhất miền Trung (ga hạng 1 cùng với Ga Đà Nẵng) và quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam của Việt Nam, cách ga Hà Nội 319 km hay khoảng 5 tiếng rưỡi đồng hồ đi tàu theo tốc độ đường sắt hiện tại. Theo các tài liệu hỏa xa thời Pháp còn được lưu trữ, ga Vinh chính thức được bắt đầu xây dựng vào quý II năm 1900. Đây là một trong năm tuyến đường sắt Đông Dươngđược Chính phủ Pháp đầu tư khoảng 200 triệu france để xây dựng nhằm mục đích khai thác thuộc địa. Hiện nay, Ga Vinh trực thuộc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội. Tất cả các chuyến tàu xuyên Việt đều dừng đón và trả khách tại đây. Ngoài các chuyến tàu Thống Nhất, còn có các chuyến tàu địa phương xuất phát từ Vinh đi miền Bắc là NA1, NA2 và đi miền Trung là VQ1, VQ2. Ga Vinh hiện là ga đầu tiên và duy nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được đầu tư lắp đặt hệ thống điều khiển chạy tàu tập trung Domino 70-E của Hãng Siemens (CHLB Đức).

Hệ thống sông ngòi bao quanh phía Tây Đông và phía Nam thành phố là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế với các huyện trong tỉnh. Sông Lam có độ sâu 2 - 4m có cảng Bến Thuỷ là một cảng hàng hoá lâu đời của khu vực Bắc miền Trung có khả năng cho tàu dưới 2.000 tấn ra vào thuận lợi. Trong tương lai, khi thị xã Cửa Lò sát nhập vào thành phố Vinh, thì cảng nước sâu Cửa Lò với công suất 3 triệu tấn/năm (sẽ được nâng lên 5 triệu tấn/năm vào năm 2015, 17 triệu tấn/năm vào năm 2020) là một cảng lớn trong hệ thống cảng biển quốc gia sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thành phố trong việc giao thương bằng đường biển.

Sân bay Vinh là một trong các sân bay dân dụng lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Hiện nay, từ Cảng hàng không Vinh đang có các đường bay thẳng khứ hồi kết nối Vinh với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt với tần suất 22 lần chuyến cất, hạ cánh/ngày, do các hãng hàng không đối tác: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air khai thác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, nhu cầu đi lại của người dân không chỉ Nghệ An mà các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh cũng tăng mạnh, khiến sản lượng vận chuyển của Cảng hàng không Vinh tăng mạnh với mức 150%/năm. Nhà ga trở nên quá tải trong những giờ cao điểm khi phải tiếp nhận 3 chuyến bay A320 đồng thời, tương đương phục vụ khoảng 600-800 hành khách/giờ cao điểm [19]. Lượng khách phục vụ liên tục tăng mạnh, năm 2009, Cảng hàng không Vinh đã thực hiện 63.167 lượt hạ cất cánh, vận chuyển hơn 257.000 hành khách. Năm 2010 sản lượng vận chuyển hành khách qua Cảng đạt 396.948 lượt khách, năm 2011 đạt trên 550.000 lượt khách. Năm 2012 đã đạt gần 700.000 lượt khách.[20] Năm 2013, dự kiến SB Vinh sẽ đạt 1 triệu lượt khách.[21]

Từ 14/01/2013, SB Vinh có tuyến bay quốc tế đầu tiên Vinh - Viêng Chăn [22]. Trong tương lai gần, sân bay này sẽ được nâng cấp hiện đại và mở thêm một số tuyến bay nội địa và quốc tế mới, như Vinh - Đông Bắc Thái Lan, Vinh - Singapore, Vinh - Hàn Quốc, Vinh - Đài Bắc.... Sau đó, Chính phủ dự kiến mở rộng sân bay Vinh thành sân bay quốc tế với quy mô lớn, mở các tuyến bay đi Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Đông Á và các nước khác. Nhà ga hành khách mới của SB Vinh cũng đang được xây dựng với công suất 2-2,5 triệu khách/năm.[23]

Công trình Quảng trường và Tượng đài Hồ Chí Minh nằm trên địa bàn phường Trường Thi, phía Bắc giáp đường Hồ Tùng Mậu, phía Đông giáp đường Trường Thi, phía Nam giáp đường Trần Phú (QL IA). Được khởi công xây dựng vào năm 2000, khánh thành vào 19 tháng 5 năm 2003 đúng dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quần thể quảng trường và tượng đài rộng 11ha (110.000m2) - quảng trường rộng nhất Việt Nam gồm nhiều hạng mục như: lễ đài, cột cờ, đường diễu hành, sân hành lễ, hệ thống điện chiếu sáng, thảm cỏ, cây xanh, hệ thống đài phun nước tạo cảnh, núi Chung mô phỏng theo núi Chung ở Làng Sen quê của Người. Trên 1.650 loài cây tiêu biểu của mọi miền đất nước Việt Nam đã được đem về trồng, trên đỉnh có vườn cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhiều nhân vật quốc tế trồng trong những dịp đến viếng thăm.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí trang trọng ở phía Tây-Nam của Quảng trường. Tượng cao 18m, làm bằng chất liệu đá granít Bình Định.

Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những biểu tượng văn hóa của nhân dân Nghệ An, mà còn là địa chỉ quan trọng của du khách trong và ngoài nước trên con đường di sản miền Trung.

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết, nay thuộc thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng Hoàng, một loài chim có trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát.

Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía Tây bắc Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạngmới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng (Vô-băng là tên một tướng Pháp có sáng kiến thiết kế kiểu thành này). Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412 m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000 m², bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m). Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh thống đốc, phía nam có dinh bố chánh và án sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của thành phố.

Văn Miếu Vinh được xây dựng vào năm 1803 dưới triều vua Gia Long, là một công trình tiêu biểu của đạo học xứ Nghệ. Theo sách Đại Nam nhất thống chí ghi về Văn miếu Vinh như sau: Văn miếu Vinh ở địa phận xã Yên Dũng, phía đông tỉnh thành, phía tây là đền Khải Thánh. Có diện tích rộng, bằng phẳng, tới 22.000m2. Với vị trí lấy đường tiếp nối đường thiên lý Bắc Nam mà tổ tiên vạch mở từ ngàn xưa làm chỗ đứng thì ta thấy bên phải là Võ Miếu (tức đền Hồng Sơn), bên trái là Văn Miếu: Văn tả, Võ hữu, cùng với Cửa Tiền nhìn ra bến sông Vĩnh và hướng về Nam, phía xa trước mặt là Lam Thành - lỵ sở cũ của trấn Nghệ An, như thế là cân đối cả về vị trí thờ tự và thuận cả về thuật phong thủy. Văn miếu Vinh được bố trí có 3 cửa tam quan đều hướng về phía Nam (phía kinh đô triều Nguyễn). Trên cửa chính môn có tầng lầu đề bốn chữ " Vạn thánh linh từ". Hai bên cửa có đôi câu đối ánh màu sơn son thiếp vàng, toát lên niềm tự hào của dân Nghệ về đạo học: " Nhật nguyệt trung thiên minh thánh đạo. Giang sơn đại địa tích Nhân văn"- (Đạo thánh sáng ngời như mặt trời, Mặt Trăng trong vũ trụ, Nhân văn được bồi tụ là do ở sông núi nơi đất này). Phía trên là hạ điện. Giữa là thương điện. Hai bên có nhà tả vu với hữu vu. Sân lộ thiên ở giữa bốn ngôi nhà thâm nghiêm, tĩnh mịch. Xung quanh là hồ cá, giếng thiên tĩnh, vườn cây cảnh và rừng cây. Hiện nay, Văn miếu Vinh chỉ còn là phế tích, nền cũ đã được Công ty In Nghệ An trưng dụng và nhiều nhà dân lấn chiếm, sử dụng. Các đồ tế khí, bia đá được chuyển đến đền Hồng Sơn (Võ Miếu) để tạm cất giữ.

Cồn Mô được xây dựng thành tượng đài kỷ niệm cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931, với chiều cao 10m, rộng 16.2m. Trên tượng đài khắc biểu tượng búa liềm, mặt trước gắn biểu tượng trống Xô Viết. Trên nền bia còn khắc ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra ở Cồn Mô.

Khu di tích ngã ba Bến Thủy có diện tích 6.400 m². Qua thời gian và chiến tranh tàn phá, cảnh vật thay đổi, cột điện lịch sử đã không còn nữa. Nhưng tại đây, để ghi lại sự kiện lịch sử anh hùng của nhân dân, tỉnh Nghệ An và chính quyền thành phố Vinh đã xây dựng tượng đài công nông binh để giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng của cha anh.

Đền thờ Vua Quang Trung được xây dựng với ý nghĩa muôn đời ghi nhớ công lao to lớn và tôn vinh sự nghiệp vĩ đại của Hoàng Đế Quang Trung, góp phần nêu cao truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau. Đền toạ lạc trên đỉnh thứ 2 núi Dũng Quyết, cao 92m so với mực nước biển, nơi cách đây 220 năm, ngày 1/10/1788 Vua Quang Trung hạ chiếu cho xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô. Đó được xem là đất tứ linh có 4 chi: Chi hướng về Tây gọi là Long thủ (đầu Rồng), chi hướng phía Đông Nam gọi là Phượng dự (cánh Phượng Hoàng), chi hướng về Đông Bắc gọi là Quy bối (lưng Rùa), chi hướng về phía Tây Nam gọi là Kỳ Lân (con Mèo).

Công trình bao gồm các hạng mục chính: Khu Tiền đường diện tích 180 m², khu Trung đường diện tích 160 m² và khu Hậu cung 60 m², nhà Tả vu, Hữu vu, diện tích mỗi nhà 80 m².

Chùa Cần Linh (hay còn gọi là chùa Sư nữ) là ngôi chùa có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lê, trên một vùng đất trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên tường, huyện Hưng Nguyên. Nay thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh. Chùa thờ Phật Thích Ca - vị tổ của đạo Phật - và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5.208 m², gồm có các kiến trúc sau: Tam quan, bái đường, chính điện, tăng đường, nhà tả vu, hữu vu. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều ngày lễ lớn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thăm viếng.

·        Bảo tàng Tổng hợp Nghệ An

Địa chỉ: Số 4 đường Đào Tấn, Thành phố Vinh.

·        Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Địa chỉ: Số 6 đường Đào Tấn, Thành phố Vinh.

Địa chỉ: Số 189 đường Lê Duẩn, Thành phố Vinh.

Địa chỉ: Đại Lộ Lê Nin, Thành phố Vinh.

·        Thư viện Nguyễn Thúc Hào